- 0363931688
- info@meditek.vn
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Căn bệnh này do virus có “họ hàng” với virus gây bệnh đậu mùa thường gặp, chủng virus này thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1958
Từ 01/01/2022 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO. Đặc biệt có 100 ca nghi mắc xảy ra tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.
Tại Việt Nam, đến ngày 24/7/2022, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập và bùng phát ở nước ta là rất cao do tình hình giao lưu quốc tế giữa Việt Nam và thế giới có xu hướng phát triển mạnh. Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Thông thường sau khi nhiễm virus thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:
Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên)
Đau đầu dữ dội
Đau mỏi lưng và các cơ
Ớn lạnh
Mệt mỏi uể oải
Nổi hạch
Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở: khắp mặt; lòng bàn tay, bàn chân; miệng; mắt; cơ quan sinh dục. Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ rồi mới khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.
Nguy hiểm hơn là đậu mùa khỉ để lại nhiều biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng máu, viêm mô não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực, các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn.
Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ giao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.
Xuất hiện các nốt sần khắp cơ thể là một trong những dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).
Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với sản phụ đang mắc bệnh trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Đường lây truyền của đậu mùa khỉ cũng "hẹp" hơn nhiều so với Covid-19. Các chuyên gia nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Đặc biệt chỉ khi người bệnh có triệu chứng phát ngoài da (nốt phát ban đậu, mụn mủ, mụn đã lên mày...) mới có khả năng lây lan. Người mang mầm bệnh sẽ không lây được cho người khác khi họ còn trong thời kỳ ủ bệnh.
Các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Tuy rằng, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng với những diễn biến phức tạp tại các quốc gia Châu Phi và nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng ta không nên chủ quan mà cần tăng cường công tác phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
NGUỒN THAM KHẢO:
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lý rất hiếm gặp, gây ra bởi vi rút đậu mùa khỉ. Vi rút này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như vi rút gây bệnh thủy đậu nhưng bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ nhàng hơn.
Bình luận